Chu Mộng Châu suy nghĩ đến thẫn thờ, cái xác ôm trong tay quên cả đặt xuống huyệt.
Đằng Anh thấy thế la lên:
- Í, ngươi làm sao vậy?
Chu Mộng Châu giật mình sực tỉnh, ấp úng nói:
- Tôi ... tôi đang nghĩ, người ta chết ... thực dễ dàng, cứ như ông này trước đây một canh giờ còn nói còn cười, vậy mà giờ đây đến nói một tiếng cũng không được. Cô nương thử nghĩ sự tình khó lý giải không chứ?
- Thôi được chuyện này tạm gác lại lúc khác đàm luận. Nói hết cứ đặt xác anh ta xuống đi.
Chu Mộng Châu cúi thấp người đặt cái xác xuống huyệt. Đằng Anh liền nói:
- Trong áo anh ta có một chiếc cờ tam giác, thiếu hiệp lấy ra đi!
Chu Mộng Châu nghe theo lời, từ trong áo gã đại hán lục lấy ra được một chiếc cờ vải nhỏ màu trắng, chính giữa chiếc cờ tam giác là hình một con chim ưng khâu chỉ đen, xung quanh là hình sáu ngôi sao lớn bằng nhau.
Đằng Anh dùng kiếm cắt một nhúm tóc của mình kết lại thấy bỏ nhỏ, vứt xuống huyệt nói:
- Được rồi, giờ lấp đất đi.
Chu Mộng Châu theo lời Đằng Anh lát sau đã lấp kín huyệt, đắp thêm một nắm đất nhỏ nữa mới coi như xong việc.
Đằng Anh khi ấy nói:
- Chiếc cờ tam giác này chính là tín vật của Quy Hồn Bảo, người trong giang hồ có nó trong tay, ít nhiều đều có được sự chiếu cố. Tôi thấy thiếu hiệp còn nhỏ tuổi, lại đơn thân hành tẩu giang hồ, khó tránh gặp nhiều rắc rối, nên giữ lấy tiểu kỳ này trong người, nhất định sẽ được sự hỗ trợ lớn.
Chu Mộng Châu nói:
- Đã là tín vật của Quy Hồn Bảo, cô nương nên giữ tốt hơn. Tôi tuy hành tẩu giang hồ, nhưng nếu biết nhẫn nhịn, thì mọi sự có lẽ không đến nổi phiền phức lắm đâu!
Đằng Anh thấy Chu Mộng Châu từ chối không nhận, nói:
- Thôi vậy, chiếc tiểu kỳ này tuy có thể giúp thiếu hiệp tránh ít nhiều phiền hà, nhưng cũng có thể mang lại không ít rắc rối, thiếu hiệp không nhận cũng được.
Nói rồi, Đằng Anh cất chiếc lệnh kỳ vào áo.
Chu Mộng Châu nói:
- Cô nương hẳn đã rất mệt, nên đi nghỉ lấy sức.
Chu Mộng Châu đầu hôm ngủ trong đống cỏ khô ở bếp, nhưng lúc này thấy Đằng Anh thân thọ thương, cần nghỉ ngơi thoải mái nên liền đi trước dẫn cô ta đến tăng phòng, giúp cô ta chuẩn bị chỗ ngủ.
Đằng Anh thấy vết thương do bị móng con vượn cào trên người, tuy không nặng nhưng da thịt thì thấy đau ê ẩm, lúc này cần sự trợ giúp của Chu Mộng Châu, cho nên không từ chối chàng giúp đỡ sữa soạn chỗ ngủ.
Chu Mộng Châu đợi đến khi Đằng Anh lên giường ngủ thiếp đi, khi ấy mới trở lại nhà bếp ngủ trên đống cỏ khô.
Phần đêm còn lại chóng qua.
Chu Mộng Châu thức dậy thì mặt trời đã lên cao, chàng luyện công buổi sáng như thường lệ, rồi mới một mình rảo quanh ngôi cổ miếu.
Đến trước sàn điện, nhìn thấy hai cây cổ thụ lớn đến người ôm bị gãy ngang. Chu Mộng Châu nhớ lại cảnh tượng đêm hồi hôm, con vượn to lớn dị thường, có sức mạnh kinh hồn, bất giấc rùng người như còn khiếp sợ.
Chu Mộng Châu rảo quanh sân quan sát, thấy máu khô đóng vung vảy, nhưng nhiều nhất là đám máu lớn cạch hai gốc cây không xa, chàng đoán định chính là máu của con vượn khi trúng một kiếm sau cùng của chàng.
Lại đi rảo khắp cổ miếu một vòng nữa, thấy mặt trời đã lên gần đứng bóng, thế nhưng tăng phòng, nơi Đằng Anh nghỉ vẫn đóng im ỉm. Chu Mộng Châu trong đầu nhớ lại chuyện đêm hôm trước, Đằng Anh cùng phòng với gã đại hán đã chết nói cười thân mật, rồi hôm qua khi trên đường lại cùng gã cười cợt đến chối mắt, cho đến hồi hôm cái nhìn của thị cũng có sức quyến rũ kỳ lạ, thực khiến người ta phải nghĩ thị nhất đinh là hạng nữ nhân chẳng được đoan chính, lát sau lại nghĩ mình còn có chuyện của mình phải làm, gặp Đằng Anh cũng chỉ là chuyện hết sức tình cờ giữa đường, không có lý do gì mà ở lâu với cô ta. Nghĩ đến đó, quyết không chờ Đằng Anh thức dậy nói lời từ biệt, mà lên đường rời ngôi cổ miếu ngay.
Vượt qua bờ tường, đi được một quảng xa rồi, nhưng đầu Chu Mộng Châu lại nghĩ mông lung, lát sau lại nghĩ đến Đằng Anh, chàng thầm nghĩ:
- Cô ta ngủ đến trưa thế này mà chưa dậy nổi, có lẽ không chỉ vì mệt mỏi mà còn vì những vết cào trên người. Biết đâu những móng vuốt của con vượn chẳng có độc?
Chu Mộng Châu chỉ nghĩ đến khả năng đó, tự dưng lòng áy náy bất an, rồi quyết định quay chạy trở lại ngôi miếu. Nhưng chạy chưa được tầm tên, thì khựng chân đứng lại, lòng nghĩ:
- Sinh tử có mạng, phú quý tại trời, nếu hồi đêm cô ta không gặp mình thì có lẽ đã bỏ mạng từ lâu rồi, đủ thấy mạng cô ta nhất định thoát nạn này. Cho nên đã thoát đại nạn tất thoát tiểu nạn, không thế nguy hiểm đến tính mạng được, không có khả năng chết, ta có gì phải lo lắng nho cô ta chứ?
Nghĩ đến đó, lại quay đầu đi lên hướng tây bắc, nhưng chạy được một đoạn, trong lòng tự nhiên lại khởi sinh ý niệm khác:
- Ài, đã cứu người sao không cứu đến nơi đến chốn, chỉ còn trở lại nép bên ngoài phòng nhìn vào, thấy nàng ta ngủ ngon lành vô sự thì đi còn chưa muộn. Có vậy ta mới thật sư yên tâm lên đường, đằng nào thì việc cứu người cũng còn quan trọng hơn tất cả!
Lần này thì nhất quyết trong lòng, quay người phóng như bay về hướng ngôi miếu không còn do dự nào nữa. Vào đến miếu, tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi, Đằng Anh xem ra vẫn còn ngủ trong tăng phòng, cửa phòng vẫn đóng.
Chu Mộng Châu rón rén nhẹ chân đến bên cửa sổ, ghé tai vào cửa lắng nghe, bỗng chàng nhíu mày kinh ngạc, nguyên trong phòng có tiếng rên khẽ. Chu Mộng Châu biết có chuyên không ổn, liền chạy lại đấy cửa nhảy vào trong.
Chỉ thấy Đằng Anh mặt mày sưng lên đỏ gay, người lăn qua trở lại, miệng không ngớt rên rỉ, chứng tỏ cô ta rất đau đớn. Chu Mộng Châu chạy lại bên giường nhìn kỹ những vết cào sướt trên cổ và tay của cô ta sưng tấy, thầm nghĩ:
- Chẳng sai, móng vuốt con vượn có độc!
Tuy đã đoán ra nguyên do thương trạng của Đằng Anh, thế nhưng chàng vốn không có kiến thức lẫn kinh nghiệm trong trị thương, nên chưa biết phải quyết thế nào, khi ấy vắt óc suy nghĩ cách, chợt nghĩ Đằng Anh là nữ lưu giang hồ, từng trải lịch duyệt, có thể là biết cách trị thương độc, khi ấy liền gọi cô ta mấy lần.
Đằng Anh quả thật là bị độc phát tác, nhưng cũng chỉ mới giai đoạn đầu, trong lúc ngủ cơn đau hành hạ nên mơ màng la nhảm. Lúc này bị gọi lớn thì giật mình tỉnh lại nhìn thấy Chu Mộng Châu đứng đầu giường vẻ khẩn trương, thì hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Cô ta không nói thì thôi, khi nói mới hay cổ họng khô rất cháy bỏng. Đằng Anh kinh động, định chống tay ngồi dậy, nhưng Chu Mộng Châu cản lại nói:
- Cô nương bị những vết cào của con vượn có độc phát tác hành hạ, xem có cách gì cứu được không?
Nghe Chu Mộng Châu nói vậy, Đằng Anh mới nhớ lại chuyện đêm qua, đồng thời nhận ra cả người nóng rát, ngũ tạng như lửa đốt, đầu óc nặng trĩu, mí mắt thậm chí nặng trĩu mở không lên, khi ấy kêu lớn:
- Nước . ... nước . ...
Chu Mộng Châu liền chay ra ngoài mực một gáo nước mang vào. Đằng Anh uống xong mấy hơi, thần trí hơi tỉnh lại, nhìn Chu Mộng Châu mơ hồ hỏi lại:
- Vừa rồi ngươi nói gì?
- Những vết cào sướt trên người cô nương bị sưng tấy, có lẽ do độc phát tác, cô nương xem có cách nào giải độc không?
Đằng Anh thấy kỳ, bèn hỏi:
- Vết sướt trong người ta, sao ngươi biết?
Chu Mộng Châu biết cô ta hiểu nhầm, bèn phân minh:
- Tôi chỉ nhìn nhưng vết sướt trên tay cô nương lộ ra bên ngoài bị sưng đỏ, nên mới đoán là như vậy.
Đằng Anh "à" lên một tiếng, đinh nhấc tay lên xem, thế nhưng cánh tay như nặng cả trăm cân, không thể nào tự nhấc lên được. Đằng Anh lúc này mới giật mình la lên thất kinh, chẳng ngờ vuốt con vượn lại độc hại đến thế, bất giác thở dài một hồi sóng sượt.
Chu Mộng Châu thấy thế hỏi:
- Có phải cô nương thấy không có cách cứu chữa?
- Ta muốn xem tình hình cánh tay thế nào, vậy mà nhấc lên cũng không tự chủ được.
- Nhưng cô nương thấy có cách nào cứu chữa không?
- Trước hết ta phải xem cánh tay thương độc thế nào mới quyết định.
Chu Mộng Châu trầm ngâm giây lát, nhẹ nhàng giúp nâng cánh tay cô ta lên cao, nói:
- Cô nương nhìn cho kỹ!
Đằng Anh nhướng mắt nhìn, thực ra dầu muốn cựa quậy cũng không được, chỉ là đôi nhãn châu chuyển động, sau một hồi xem xét thở dài nhắm mắt lại.
Chu Mộng Châu đặt tay cô ta xuồng, hốt hoảng hỏi:
- Thật chẳng có cách gì sao?
Đằng Anh la lên:
- Chớ quá náo động, để ta nghĩ xem!
Nàng nhắm mắt như nghĩ ngợi một lúc, bỗng kêu lên:
- Nước!
Chu Mộng Châu nghe thế thấy lấy làm lạ, vặn hỏi lại:
- Nước à? Nước có thể giải cứu à?
- Ài, ta cần uống nước, ngươi cứ dội một ít lên đầu ta.
Chu Mộng Châu lúc này mới vỡ lẽ, cô ta phát sốt trong người nên khát nước, khi ấy cho cô ta uống nước, rồi dùng tay tẩm ít nước lên trán Đằng Anh cho tỏa nhiệt.
Đằng Anh hơi tỉnh trí lại, nói:
- Ta nhớ ra hai phương thuốc, ngươi cứ dùng bút ghi lại, có lẽ không bao lâu nữa ta sẽ hôn mê đấy!
Chu Mộng Châu nghe thế liền tìm giấy bút, mài mực đem lại.
Thấy Đằng Anh lúc này mê mê tỉnh tỉnh, vội khoát nước vào mặt cô ta, giục nói:
- Đã có giấy bút rồi, cô nương đọc nhanh đi.
Đằng Anh thân nhiệt đã lên cao, nhờ những đợt nước dội mới hồi tỉnh thần khí, khi ấy đọc lên hai phương thuốc cho Chu Mộng Châu ghi vẻ rất vật vã ... cuối cùng nói:
- Một phương nấu ... dùng nước . ... ngày rửa ... ba lần, phương còn lại ... để ... uống ...
Nói đến đó thì cô ta hôn mê ngất đi.
Chu Mộng Châu vội lấy nước rưới lên đều lên mặt, nhưng lần này thì cồ ta hôn mê hoàn toàn, chẳng tỉnh lại nữa.
Chu Mộng Châu đưa tay sờ vào người cô ta, thấy nóng như thiêu, giật mình nghĩ:
- Thật hiếm, ta chỉ cần trở lại chậm, chỉ e phương thuốc này cũng không kịp ghi.
Chu Mộng Châu quyết định mang cô ta đến một thị trấn nào đó. Tìm nơi nghỉ ngơi, rồi cất thuốc theo đúng chỉ dẫn, nhất định phải cứu cô ta bằng được.
Chu Mộng Châu bế Đằng Anh lên phóng chạy một mạch có đến hai canh giờ, vì lòng nôn nóng muốn cứu người cho nên chạy nhanh hơn lúc bình thường. Tuy vậy, trên tay lại bế thêm một người, cho nên phí không ít công lực, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. May mà ra hết dãy núi, thì đã thấy một thị trấn khá lớn tọa lạc dưới chân núi, từ xa nhìn xem đã thấy có trên mấy trăm nóc nhà.
Chu Mộng Châu tinh thần phấn chấn, chạy nhanh hơn. Lát sau đã vào đến thị trấn, thấy không khí sầm uất náo nhiệt, nghĩ thị trấn lớn như vậy, nhất đinh tìm được dược liệu để cất thuốc. Khi ấy, bèn đưa Đằng Anh vào một khách điếm đầu trấn thuê phòng nghỉ lại.
Chu Mộng Châu vào phòng, đặt Đằng Anh nằm yên trên giường, lập tức gọi một gã tiểu nhị vào hỏi thăm các hiệu thuốc ở đây.
Tiểu nhi nghe xong tình hình, liền nói:
- Thiếu gia xin cứ ở trong phòng chăm sóc người thân, để tiểu nhân giúp hốt thuốc cho!
Chu Mộng Châu chẳng ngờ tiểu nhị nhiệt tình như vậy, liền lấy ra nén bạc hai lượng, cùng hai đơn thuốc nhét vào tay gã nói:
- Vậy thì phiền tiểu nhị ca đi hộ một chuyến, nếu không đủ tiền, trở lại tôi sẽ đưa thêm.
Tiểu nhị gật đầu sốt sắng, cầm bạc và toa thuốc thang chạy như bay. Chu Mộng Châu ngồi một mình bên giường chờ đợi, chẳng ngờ chờ cả nửa canh giờ mà vẫn chưa thấy gã tiểu nhị trở lại, trong lòng chàng sốt ruột nhìn tình trạng Đằng Anh càng thêm lo lắng.
Đằng Anh thỉnh thoảng sốt cao là lên cơn nói sảng, ú ớ trong miệng chẳng hiểu nói những gì.
Chu Mộng Châu cứ lo để lâu không chữa kịp, nhỡ độc tính nhập vào tạng phủ thì nguy tính mạng Đằng Anh, nên bồn chồn đứng ngồi không yên, cứ bước lui bước tới trong phòng.
Thực ra Đằng Anh với chàng vô thân vô thích, chẳng đến nỗi lo sợ sốt vó như vậy, nhưng chàng bẩm tính nghĩa hiệp, thấy người bị nạn như chính mình bị nạn, do vậy mới lo lắng như vậy.
Đột nhiên, lúc ấy bên ngoài hành lang có tiếng bước chân chạy dồn.
Chu Mộng Châu chay vội ra cửa, ghé đầu nhìn thì thấy đúng là gã tiểu nhị trở lại.
Chàng vừa mừng vừa giận, trách:
- Làm sao mà đi cả nửa ngày mới về?
Tiểu nhi thở hổn hển đáp:
- Thiếu gia xin chớ vội trách, thực tình toa thuốc này mới kỳ quái, đến tiệm này có mấy vị này thì thiếu mấy vị khác, tiệm khác thì có những vị khác lại thiếu vị nọ, tiểu nhân phải chạy khắp chín tiệm thuốc trong trấn này mới hốt đủ hai toa thuốc của thiếu gia.
Gã dừng lại thở một lúc, nói tiếp:
- Trên đường trở về gặp phải anh chàng tú tài nghệ xem qua toa thuốc, bảo tiểu nhân về báo lại với thiếu gia là bệnh này nếu để phát thêm một hai canh giờ nữa thì e hết cứu. Tiểu nhân nghe vậy quýnh lên vắt giò mà chạy về đây.
Chu Mộng Chậu nghe vậy chẳng còn bụng dạ nào hỏi xem vị tú tài nghèo kia là ai, giục nhanh:
- Vậy nhờ lão ca mang hai gói thuốc nấu giúp mang lên đây!
Tiểu nhị ứng thanh một tiếng rồi lập tức mang thuốc đi ngay.
Thời gian qua những bữa cơm, tiểu nhị mang đến một bát thuốc, và một chậu nước thuốc trong thùng gỗ, gã làm mọi chuyện tợ hồ như rất thành thục. Gã đặt hết lên bàn, rồi định lui gót nhưng Chu Mộng Châu giữ lại nói:
- Phiền lão ca tìm xem trong trấn này có phụ nhân nào tay chân lanh lợi, đến chăm sóc thương thế cho bệnh nhân được chứ?
Tiểu nhị vừa lắc đầu vừa nhìn về phía Đằng Anh nằm mê man trên giường nói:
- Thiếu gia nên tự mình làm cho, trong tiểu trấn này tìm người thật rất khó, huống gì một vài canh giờ chắc gì đã tìm được người, mà bệnh nhân để lâu nguy cấp, chỉ e có người cũng vô dụng.
Gã nói rồi liền tức bước nhanh ra cửa bỏ đi.
Nguyên là gã trên đường hốt thuốc trở về nghe gã tú tài nào đó nói bệnh nhân nguy kịch không dễ cứu trị. Nếu tìm giúp người chăm sóc, bệnh thuyên giảm thì không nói gì, nhỡ ra nguy đến tính mạng, thì chẳng phải rước phiền hà vào thân sao? Cho nên mới không muốn đi tìm người giúp.
Chu Mộng Châu bất đắc dĩ đành phải tự tay làm lấy, khép kín cửa rồi quay trở lại bên giường lòng tự an ủi:
- Thân thể cô ta mình cũng đã nhìn tối qua, đằng nào làm công chỉ để cứu người, tốt nhất đừng bận tâm bấn loạn là được.
Trước hết chàng mang chén thuốc cho Đằng Anh uống, việc làm không trở ngại gì.
Nhưng đến khi lấy thuốc rửa các vết thương trên người cô ta, thì tay chân chàng trở nên luýnh quýnh.
Nhưng vết thương có ở khắp người, may mà Đằng Anh hôn mê chẳng hay biết gì, nên cuối cùng chàng cũng mạnh dạn cởi bó hết áo quần của Đằng Anh để rửa vết thương. Dẫu nói thế nào đi nữa, nhưng khi ánh mắt chàng chạm phải những đường cong tuyệt mỹ trên thân thể Đằng Anh thì tim cũng không tránh đập loạn xạ lên. Chàng phải cố trấn tĩnh mới làm xong chuyện rửa vết thương trên người Đằng Anh.
Quả phải mất khá nhiều thời gian cho việc này, khi rửa xong hết vết thương thì trời cũng đã tối, chàng đẫm ướt cả mồ hôi, mệt còn hơn khi bế Đằng Anh mà chạy nữa. Chàng vốn định mặc quần áo trở lại cho Đằng Anh, nhưng khi nghĩ mỗi ngày phải rửa vết thương ba lần, cứ mặc vào cởi ra thì thực bất tiện, cho nên chỉ dùng tấm chăn đắp kín người cô ta.
Xong đâu đó chàng mới nhớ đến chuyện cơm nước, ra phòng khóa cửa cẩn thận, đến tiền sảnh khách điếm, gặp lại gã tiểu nhị nói:
- Hai toa thuốc vừa rồi đủ tiền chứ?
Tiểu nhị đáp:
- Cả thảy hai lượng năm tiền, chỉ thiếu năm tiền.
Thực ra thì đủ, nhưng tiểu nhị thấy Chu Mộng Châu còn nhỏ, lại đằng nào cũng tính thêm ít nhiều gọi là kiếm chác chút thù lao.
Chu Mộng Châu không tính toán gì, lấy thêm năm tiền nữa đưa cho gã. Đoạn đưa tiếp mười lượng nữa, nhờ gã hốt cho bốn ngày thuốc.
Tiểu nhi thấy kiếm chát được là vui vẻ nhận lời.
Chu Mộng Châu ăn uống xong, quay lại phòng, việc trước tiên là mở tay nải lấy tiền ra đếm xem, thấy toàn bộ số tiền Đạo An phương trượng cho làm lộ phí giờ chỉ còn hơn ba mươi lượng, bất giấc sững người.
Đạo An phương trượng vốn cho chàng sáu mươi lượng, dọc đường tiêu rất dè xẻn, lúc này gặp chuyện cần kíp mới tiêu lớn như vậy, cứ tính tiền thuốc và tiền ăn ở lại đây, chỉ e không đủ trả trong một tuần.
Với chàng chuyện ăn ở không quan trọng lắm, thế nhưng việc chạy chữa cho Đằng Anh thì không thể bỏ ngang được. Chỉ nghĩ đến đó chàng đã thấy rầu.