[Lịch sử Việt Nam]Triều đại Tây Sơn và những chính sách cải cách của Quang Trung Croppe10

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

AdministratorTên: Administrator
Cấp bậc: Administrator
[Lịch sử Việt Nam]Triều đại Tây Sơn và những chính sách cải cách của Quang Trung 3anhemtayson
Triều đại Tây Sơn và những chính sách cải cách của Quang Trung
Biên niên các sự kiện thời Tây Sơn:
- 1771: Anh em Tây Sơn nổi dậy
- 1776: Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn vương
- 1777: Nguyễn Huệ tiêu diệt chúa Nguyễn tại Gia Định
- 1778: Nguyễn Nhạc xưng đế, đặt tên hiệu là Thái Đức
- 1780: Nguyễn Ánh xưng vương tại Gia Định
- 1782: Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi, chạy ra Phú Quốc.
- 1783: Nguyễn Ánh lánh nạn tại Côn Sơn.
- 1785: Nguyễn Huệ đánh bại quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút. Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm.
- 1786: Nguyễn Huệ lật đổ chúa Trịnh
- 1787: Nguyễn Ánh trở về lại Long Xuyên
- 1788: Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế
- 1789: Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Nguyễn Ánh lấy thành Gia Định
- 1792: Vua Quang Trung mất - 1793: Nguyễn Nhạc mất
- 1799: Nguyễn Ánh chiếm thành Qui Nhơn
- 1801: Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân
1. Sự thiết lập Vương triều Tây Sơn
Tháng 3-1776, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn Vương, đúc ấn vàng, xây lại thành Đồ Bàn, phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ làm Thiếu phó. Đầu năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đổi thành Đồ Bàn làm thành Hoàng đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Long nhượng tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế. Triều đại Tây Sơn chính thức được thành lập, nhưng thực chất vẫn còn là bộ tham mưu tối cao của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Năm 1786, sau khi tiến quân ra Bắc, lật đổ chính quyền họ Trịnh, Nguyễn Huệ rút quân về Nam, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế, quản lý khu đất ở giữa, chạy dài từ Quảng Nam vào đến cực nam Trung Bộ ngày nay, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Nghệ An, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, trông coi vùng đất Gia Định. Hoạt động của Nguyễn Lữ ở Gia Định chỉ thu hẹp trong phạm vi là một viên tướng đồn trú ở trong thành và chia quân đóng giữ. một số đồn luỹ, không đề ra và thực hiện được những chính sách kinh tế, chính trị, xã hội nào tích cực của một chính quyền phong kiến. Thời gian tồn tại của Đông Định Vương chỉ trong vòng hơn một năm (1786-1787). Năm 1787, Nguyễn ánh từ Xiêm đem quân về đánh Long Xuyên. Nguyễn Lữ sợ hãi bỏ Gia Định chạy về Biên Hoà, sau lại chạy về Quy Nhơn và bị bệnh chết. Vùng Gia Định từ tháng 9-1788 lại thuộc về Nguyễn Ánh.
Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc từ sau năm 1786 thỏa mãn với thắng lợi, không còn ý chí quật khởi, ngồi hưởng lạc "chỉ mong giữ lấy một phủ Quy Nhơn, tự giáng mình làm Tây chúa", "ham nhàn vui, cầu yên tạm bợ, không lo đến hậu hoạ". Từ năm 1790 đến 1793, Nguyễn Ánh liên tiếp tấn công ra Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh và vây thành Quy Nhơn (1793). Nguyễn Nhạc bất lực phải nhờ quân cứu viện của chính quyền Quang Toàn (Cảnh Thịnh). Các tướng sĩ của Quang Toàn giải vây Quy Nhơn, đánh bại quân Nguyễn Ánh rồi chiếm luôn cả thành trì. Nguyễn Nhạc uất lên mà chết, chính quyền của Nguyễn Nhạc đến đây kết thúc.
2. Triều đại Quang Trung
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), trước khi đem quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ xưng đế đặt niên hiệu là Quang Trung. Phạm vi quản lý của triều đại Quang Trung trong những năm 1789-1792 bao gồm toàn bộ Bắc Hà vào đến đèo Hải Vân. Trên phạm vi đó, triều đại này đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp cải cách tiến bộ.
Về kinh tế.
Quang Trung ban "chiếu khuyến nông", lệnh cho dân phiêu tán trở về quê khôi phục ruộng đồng bỏ hoang. Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Sau một thời hạn mà ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư thì bị sung công... Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791 "mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình.
Đối với công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương trên cơ sở phục hồi và phát triển nông nghiệp. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, ngay từ những ngày đầu của chính quyền mới, Quang Trung chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, độc lập, tự chủ trong đó có công thương nghiệp.
Chủ trương khuyến khích phát triển công thương nghiệp của Quang Trung được thể hiện ở sắc lệnh "khoan thư" sức dân. Năm 1789, Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi, Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo). Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mỏ rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh nuộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thuỷ Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), Du Thôn... Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển. Mô tả Thăng Long bấy giờ, nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống dưới thời Tây Sơn viết: "Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò", và "rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm" (Phú Tụng Tây Hồ).
Nền ngoại thương nước ta thời Quang Trung khác hẳn với ngoại thương thời Vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn trước đó. Nó xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế và đời sống của nhân dân, từ yêu cầu đẩy mạnh nền kinh tế hàng hoá. Tư tưởng "thông thương" tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, "mở cửa ải, thông thuơng buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng".
- Về chính trị, quốc phòng.
Sau khi đánh bại 30 vạn quân Thanh xâm lược (1789), Vương triều Quang Trung ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới tiến bộ với ý thức quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Xuất phát từ nhận thức "Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa", nên trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, Quang Trung rất chú trọng "Cầu hiền tài". Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, v.v., là những học giả tiêu biểu trong số nho sĩ này.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức "tiến cử", "cầu hiền tài" Quang Trung đã ban hành chính sách "khuyến học", mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn hạng sinh đồ 8 quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê - Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng.
Chủ trương phát triển giáo dục, thi cử để đào tạo nhân tài cho đất nước trong công cuộc phục hưng của chính quyền mới được Quang Trung nói rõ: "Dựng nước lấy học làm đầu, lấy nhân tài làm gốc. Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng thiếu thốn... Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm, mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia". Xuất phát từ nhận thức đó ngay từ năm 1789, Quang Trung đã cho mở khoa thi Hương đầu tiên ở Nghệ An, chọn lấy những người đỗ tú tài hạng ưu cho vào dạy trường quốc học, hạng thứ cho vào dạy ở trường phủ học. Quang Trung chủ trương từng bước đưa khoa cử thành một phương thức đào tạo quan chức cho nhà nước phong kiến mới.
Trên cơ sở tăng cường và củng cố hoạt động của bộ máy nhà nước tập trung mạnh, chính quyền đã thực hiện được chức năng quan trọng và lớn lao bấy giờ đối với xã hội là tập hợp được các lực lượng tích cực trong toàn đất nước, đẩy lùi được cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, ổn định tình hình chính trị, xã hội, củng cố được nhà nước quân chủ tập quyền, từng bước phục hưng, phát triển văn hoá, giáo dục và kinh tế.
Quang Trung chủ trương xây dựng một đội quân hùng mạnh, củng cố quốc phòng. Quân đội chia làm 5 doanh: trung, tiền, hậu, tả, hữu. Ngoài ra còn có thêm một số quân hiệu khác như tả bật, hữu bật, kiều thanh, thiên cán. Quân đội được biên chế theo đạo, cơ, đội. Nhà nước quy định cứ 3 suất đinh tuyển một lính. Năm 1790, làm sổ hộ tịch để căn cứ vào đó tuyển binh.
Quân đội có các binh chủng: bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, pháo binh. Vũ khí có nhiều loại, có loại được cải tiến như hỏa hổ (một loại ống phun lửa), có súng trường, đại bác, giáo mác, cung, tên. Chiến thuyền cũng nhiều loại, loại lớn chở được cả voi, trang bị từ 50 đến 60 khẩu đại bác, chở được từ 500 đến 700 lính.
Với một lực lượng quân đội mạnh, Quang Trung đã trấn áp được các thế lực phong kiến phản động, bảo vệ được chính quyền mới và có cơ sở để thực hiện một chính sách đối ngoại tích cực, kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và nâng cao địa vị của nước ta thời bấy giờ đối với nước ngoài.
Về văn hoá giáo dục.
Quang Trung lập Sùng Chính Viện chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu học tập và giúp vua về mặt văn hoá. Mục đích của Quang Trung là nhằm đưa chữ Nôm lên thành quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán. Bên cạnh Nho giáo, Quang Trung vẫn chấp nhận Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Chữ Nôm được đưa vào khoa cử, trong các kỳ thi quan trường phải ra đề thi bằng chữ Nôm, người thi đến kỳ tam trường phải làm thơ, phú bằng văn Nôm. Chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của quốc gia dưới triều Quang Trung, một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh và bảo tồn nền văn hoá dân tộc, chống chính sách đồng hoá của các triều đại phương Bắc đô hộ nước ta. Những chính sách văn hoá, giáo dục của Quang Trung chứng tỏ ông có hoài bão xây dựng một nền học thuật, giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự cường cho nhân dân.
Những cải cách của Quang Trung có nhiều mặt tích cực, thể hiện một tư tưởng tiến bộ nhằm đưa đất nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau chiến tranh kéo dài để vươn lên sánh vai cùng các quốc gia phát triển đương thời, những chính sách cải cách đó đã và sẽ tạo khả năng mở đường, phát triển của đất nước, của dân tộc.
Tuy nhiên, về mặt thực hiện những chính sách cải cách của Quang Trung đã gặp nhiều trở ngại, thời gian thực hiện lại quá ngắn ngủi. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung - Nguyễn Huệ - người anh hùng của dân tộc, đột ngột qua đời giữa lúc những cải cách mới được bắt đầu thực hiện. Triều đại Quang Toản tiếp sau đó bất lực, không còn tiếp tục thực hiện được những cải cách của Quang Trung và đã bị Nguyễn Ánh lật đổ vào đầu năm 1802.
 Nguồn:Lương Ninh 2000, Chương X – Cuộc khủng hoảng suy vong của chế độ phong kiến và phong trào nông dân Tây Sơn, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Hà Nội, Chính trị Quốc gia, Tr. 291-297.



Được sửa bởi KenhPhimTruyen ngày 28/6/2014, 18:33; sửa lần 1.

https://kenhphimtruyen.123.st
AdministratorTên: Administrator
Cấp bậc: Administrator
1. Thái Đức Hoàng Đế (1778-1793) 

Anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ, cháu hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (thế kỷ thứ 10). ông tổ của Tây Sơn ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, khoảng nǎm 1653-1657 bị quân của chúa Nguyễn đánh ra Đàng Ngoài bắt đem về cho ở ấp Tây Sơn (nay là An Khê, Hoài Nhơn, Bình Định), từ đó đổi thành họ Nguyễn. 

Ông Nguyễn Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng sinh ba con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. 

Gia đình ông Phúc làm nghề buôn trầu cau, cuộc sống cũng khá giả. Anh em Nguyễn Nhạc theo học giáo Hiến. Giáo Hiến vốn là môn khách của Trương Vǎn Hạnh, ngoại hữu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). 

Sau Trương Vǎn Hạnh bị Trương Phúc Loan giết, giáo Hiến sợ phải chạy vào ở ẩn tại Quy Nhơn, mở trường dạy học ở ấp Yên Thái. 

Lúc đó quyền thần Trương Phúc Loan tác oai tác quái, lấn lướt nhà chúa, lòng người ai cũng cǎm ghét. 

Hằng ngày anh em Tây Sơn được giáo Hiến dạy cả vǎn lẫn võ, đồng htời khích lệ bởi câu sấm: 

"Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" Nǎm Tân Mão - 1771, anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu chiến lược: "Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương". Quân Tây Sơn thường lấy của những nhà giàu rồi phân phát cho dân nghèo, do đó nhân dân các nơi theo về rất đông. 

Trải qua 8 nǎm chiến đấu gian khổ, nǎm Mậu Tuất - 1778, quân Tây Sơn đã diệt được chúa Nguyễn ở Đàng Trong. 

Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng dế lập nên Triều đại nhà Tây Sơn, đặt niên hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân. 

Nǎm 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần và Hoàng tôn Dương đều bị chết trong trận đánh ở Long Xuyên, chỉ còn Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Thổ Chu. 

Nǎm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm cho hai vạn quân thuỷ và 300 chiến thuyền sang xâm lược nước ta, bị Nguyễn Huệ đánh tan trên đoạn sông Rạch Gầm - Soài Mút (Định Tường). 

Nǎm 1786, Hoàng đế Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân ra đánh thành Thuận Hoá của chúa Trịnh vào tháng 5/1786. Trên đà thắng lợi, với khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh", ngày 25/6 Nguyễn Huệ tiến quân ra cố đô Thǎng Long. Nghe tin Nguyễn Huệ chiếm được thành Thǎng Long, Nguyễn Nhạc sợ không kiềm chế được Nguyễn Huệ, vội thân hành đem quân bản bộ ra Bắc Hà. 

Vua Lê Hiển Tông nghe tin, đem trǎm quân ra ngoài cõi đón vua Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra tận ngoại ô đón anh và tạ tội tự chuyên của mình. 

Về đến kinh đô, Nguyễn Huệ đưa công chúa Ngọc Hân ra chào vua anh. Nguyễn Nhạc khen: 

- Chà, em vua Tây Sơn làm rể vua nước Nam "môn đương hộ đối" mối nhân duyên thật đẹp!

Sau khi từ Bắc Hà trở về, tháng 4 nǎm Đinh Mùi - 1787, Nguyễn Nhạc chia vùng đất phía Nam ra làm ba: 

- Từ đèo Hải Vân trở ra Bắc thuộc về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

- Đất Gia Định thuộc về Đông Định Vương Nguyễn Lữ. 

- Nguyễn Nhạc đóng đô ở Qui Nhơn xưng là Trung ương Hoàng đế.

Nǎm 1793, Nguyễn Nhạc mất, làm vua được 15 nǎm.
2. Hoàng đế Quang Trung (1788-1792) 

Hoàng đế Quang Trung tên huý là Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm), sinh nǎm Quý Dậu - 1752. Nguyễn Huệ có nhiều đặc điểm: tóc quǎn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng và tinh anh. 

Nguyễn Huệ là trụ cột của nghĩa quân Tây Sơn, đã góp nhiều công lao to lớn, đập tan chúa Nguyễn ở Đàng Trong, được vua Tây Sơn phong cho làm Long nhương Tướng quân và được trao quyền cầm quân đánh đông dẹp bắc, là vị tướng có tài hành quân chớp nhoáng, đánh đâu được đấy, bách chiến bách thắng. 

Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lật nhào chúa Trịnh chuyên quyền, tôn phò nhà Lê. 

Sau khi vua Lê Hiển Tông tiếp kiến Nguyễn Huệ ở điện Vạn Thọ, nhà vua đã phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên suý Dực chính phù vận Uy quốc công. Với sự sắp xếp khéo léo của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông đã gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. 

Tháng 7/1786, một đêm mưa to gió lớn, kinh đô Thǎng Long ngập hàng thước nước, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. 

Công chúa Ngọc Hân khi được chồng hỏi nên lập ai lên ngôi báu, đã nghiêng về Lê Duy Cận. Nghe lời vợ, Nguyễn Huệ muốn hoãn lễ đǎng quang của Lê Duy Kỳ. Cả triều đình xao xuyến ngờ vực. Các tôn thất nhà Lê cho rằng Ngọc Hân cố tình làm lỡ việc lớn của triều đình và bảo sẽ từ mặt công chúa. Ngọc Hân sợ, vội nói với Nguyễn Huệ thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua. 

Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam. 

Tháng 4/1788. Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô chạy ra ngoài, Bắc bình vương Nguyễn Huệ phải đem quân ra Bắc lần thứ 2 dẹp loạn. ông đã tổ chức lại hệ thống cai trị ở Bắc Hà, đưa các danh sĩ có tên tuổi như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích ra đảm đương công việc. 

Sau khi đã lập Sùng nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc, Nguyễn Huệ lại rút quân về Phú Xuân. 

Cuối nǎm 1788, Lê Chiêu Thống đưa đường cho đội quân xâm lược Mãn Thanh về chiếm đóng kinh đô Thǎng Long. 

Đại tư mã Ngô Vǎn Sở đã bàn với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn chờ lệnh. 

Nghe tin cấp báo, ngay ngày hôm sau, 25 tháng 11 nǎm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Chiều ý các tướng và để sáng tỏ danh nghĩa với cả nước, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế niên hiệu Quang Trung. 

Ngày 29 tháng 11 nǎm Mậu Thân (26/12/1788), đại binh của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày, tuyển thêm hàng vạn trai tráng Nghệ An vào nghĩa quân Tây Sơn, nâng quân số lên 10 vạn, với đội tượng binh 200 voi chiến. Nguyễn Huệ tổ chức 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Những binh sĩ mới tuyển ở Nghệ An, chưa quen chiến trận, chưa qua thao luyện được đặt vào đạo trung quân do chính hoàng đế trực tiếp chỉ huy. 

Hoàng đế Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. 

Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung cưỡi voi thúc quân tiến ra Bắc Hà. 

Ngày 20 tháng Chạp nǎm Mậu Thân (15/1/1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình. 

Trước khi bước vào chiến dịch, vua Quang Trung nói với quan quân rằng: 

- Nay ta tới đây thân đốc việc binh, chiến thư ra sao đã có phương lược sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào cũng quét sạch giặc Thanh. Song ta nghĩ: nước Thanh lớn hơn nước ta gấp 10 lần, Thanh bị thua tất hổ thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa kéo dài mãi, thật không phải là phúc cho trǎm họ, lòng ta không nỡ! Nên chi, sau khi thắng, ta nên khéo đường từ lệnh thì mới dập tắt được ngọn lửa chiến tranh, việc từ lệnh đó ta giao cho Ngô Thì Nhậm. 

Đúng như dự kiến và lời hứa hẹn của vị tổng chỉ huy, với tài dùng binh táo bạo, thần tốc, ngày 5 tháng Giêng nǎm Kỷ Dậu - 1789, đội quân bách chiến bách thắng của hoàng đế Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, tiêu biểu là trận Ngọc Hồi - Đống Đa do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, tiến vào giải phóng Thǎng Long. 

Sau chiến thắng Đống Đa, Nguyễn Huệ vội trở lại Phú Xuân để lo việc diệt Nguyễn Ánh, trao lại binh quyền cho Ngô Vǎn Sở và Ngô Thì Nhậm. 

Theo phương lược ngoại giao đã được Quang Trung vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, nước ta đã bình thường được mối bang giao với nhà Thanh, buộc sứ Thanh phải vào tận Phú Xuân để phong vương cho Nguyễn Huệ; rồi hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Càn Long nhà Thanh. 

Nǎm 1792, sau khi gửi thư đến vua nhà Thanh xin được sánh duyên cùng một nàng công chúa bắc quốc và xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm đất đóng đô, vua Quang Trung đã sai đô đốc Vũ Vǎn Dũng làm chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Vua Càn Long đã chuẩn tấu gả công chúa khuê các sang đẹp duyên cùng quốc vương nước Nam và tỉnh Quảng Tây được hứa sẽ nhường cho quốc vương phò mã đóng đô. 

Giữa lúc đoàn sứ bộ đang mừng vui vì sắp hoàn thành sứ mệnh được giao, thì nhận tin sét đánh: vua Quang Trung đã từ trần. Mọi việc đều bị gác lại. Vũ Vǎn Dũng đành ôm hận trở về nước. 

Một buổi chiều đầu thu nǎm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Nghệ An. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã cǎn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần. 

- Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử (Nguyễn Quang Toản) tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định (Nguyễn Ánh) là quốc thù, mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô (Vinh ngày nay) để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn đâu! 

Ngày 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tý - 1792 vào khoảng 11 giờ đêm, Quang Trung Nguyễn Huệ từ trần, ở ngôi được 4 nǎm, thọ 41 tuổi. Biết bao dự kiến to lớn của người anh hùng kiệt xuất của dân tộc chưa thực hiện được! 

Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi vua cha.

3. Hoàng đế Cảnh Thịnh (1793-1802) 

Vua Quang Trung mất, Nguyễn Quang Toản là con trưởng mới 10 tuổi lên ngôi vua nǎm Quý Sửu - 1793, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. 

Quang Toản lên ngôi vua, dùng cậu là Bùi Đắc Tuyên làm thái sư giám quốc trông coi mọi việc trong ngoài. Vì Quang Toản còn nhỏ quá, Bùi Đắc Tuyên ngày càng chuyên quyền nên trong ngoài đều oán, đại thần trong triều ngoài trấn nghi kỵ lẫn nhau. 

Bọn cận thần gièm pha rằng Trần Quang Diệu oai quyền quá lớn, mưu đồ cướp ngôi, Quang Toản tin là thật, rút hết binh quyền của Trần Quang Diệu. Sau Trần Quang Diệu bị giết. 

Nǎm Canh Thân - 1800, Nguyễn Ánh vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn, tướng Tây Sơn là Vũ Tuấn đầu hàng. 

Nǎm Tân Dậu - 1801, Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, Quang Toản chống giữ không nổi, Phú Xuân bị chiếm, Quang Toản phải chạy ra Bắc Hà, đổi niên hiệu là Bảo Hưng. 

Ngày 16 tháng 6 nǎm Nhâm Tuất - 1802, Nguyễn Ánh tập trung lực lượng đánh chiếm Thǎng Long. Không chống đỡ nổi, Cảnh Thịnh cùng em là Quang Thuỳ bỏ thành chạy theo hướng Bắc, bị bọn thổ hào đất Kinh Bắc bắt được, đóng cũi đưa về Thǎng Long. 

Mùa đông nǎm 1802, Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo tế miếu, trả thù Tây Sơn cực kỳ tàn bạo, Quang Toản cùng toàn gia cũng như một số tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình?. 

Quang Toản lên ngôi vua nǎm 1793, đến nǎm 1802 thì bị giết ở tuổi 20, ở ngôi được 9 nǎm. Như vậy triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức đến hết Cảnh Thịnh tồn tại được 24 nǎm (1778-1802).

Nguồn:http://www.quehuong.org.vn
 

https://kenhphimtruyen.123.st

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

Chat Facebook